Tốc độ 5G phập phù, người dùng hoài nghi '5G hay 4G cũng chỉ là những con số'

Tốc độ 5G phập phù, người dùng hoài nghi '5G hay 4G cũng chỉ là những con số'

Tốc độ 5G phập phù, người dùng hoài nghi - Ảnh 1.

Có những lúc và những địa điểm mà tốc độ 5G rất thấp, chỉ gần 36 Mbps. Trong ảnh: ghi nhận của Tuổi Trẻ vào chiều 15-10 - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Khoảng 19h tối 16-10, khi đo thử mạng 5G trên khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), chúng tôi bất ngờ ghi nhận tốc độ mạng 5G chỉ hơn 52 Mbps chiều tải xuống và hơn 38 Mbps chiều tải lên, tốc độ ngang ngửa với tốc độ trung bình của dịch vụ 4G hiện nay.

Lúc đỉnh cao, khi chẳng khác gì 4G

Trước đó, tại điểm trải nghiệm dịch vụ 5G của nhà mạng Viettel ở tòa nhà Viettel Complex (quận 10, TP.HCM) ngay trong sáng 15-10, sau nhiều lần đo thử tốc độ 5G, kết quả tốt nhất theo ghi nhận của Tuổi Trẻ là 779 Mbps chiều tải xuống và tải lên là 58 Mbps, độ trễ 20 ms.

Đây là mức tốc độ tạo ấn tượng với nhiều người có cơ hội trải nghiệm tại địa điểm trên. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, tốc độ 5G được Tuổi Trẻ ghi nhận tại khu vực trước khách sạn Caravelle (quận 1) lại chỉ có 101 Mbps chiều tải xuống và gần 14 Mbps chiều tải lên.

Mức thấp bất ngờ nhất là tại khu vực ngã tư giao đường Lê Duẩn và Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng (quận 1). Tốc độ 5G rớt xuống chỉ còn gần 36 Mbps tải xuống và gần 23 Mbps tải lên. Đây là mức tốc độ thậm chí còn thua cả mạng 4G hiện nay.

Trước đó, sáng 14-10, tại khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), mức tốc độ 5G tốt nhất được ghi nhận của mạng Viettel là hơn 360 Mbps, nhưng độ trễ lại đến 28 ms.

Tuy nhiên vào buổi chiều, tại đường Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận), tốc độ 5G chỉ dao động trong khoảng 125 - 250 Mbps, độ trễ khoảng 29 ms.

Tại một số khu vực khác, phóng viên Tuổi Trẻ cũng ghi nhận những mức tốc độ 5G khác nhau như tại khu vực Bệnh viện ĐH Y Dược (quận 5) là 280 Mbps, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1) là 250 Mbps…

Những kết quả này đều được thực hiện với mạng 5G Viettel, trên cùng một thiết bị smartphone, cùng một phần mềm đo SpeedTest của Ookla. Trong khi đó, theo công bố của Viettel tại sự kiện khai trương dịch vụ 5G thương mại đầu tiên (15-10), mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt từ 700 Mbps - 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người dùng cho biết tốc độ 5G nhiều lúc chỉ bằng hoặc thua cả mạng 4G. Tại nhiều khu vực, nhiều người dùng phản ánh điện thoại nhận sóng 5G ngon lành nhưng khi đo tốc độ "chả khác gì" 4G, thậm chí còn thua tốc độ 4G.

"Nhà mạng quảng cáo tốc độ 5G vượt trội, gấp 10 lần 4G, nhưng tôi đo thử thực tế lại chẳng thấy khác gì, thậm chí nhiều lúc còn thua cả 4G. Liệu 5G có như nhà mạng quảng cáo?" - anh Hồng Phong (TP Thủ Đức), hoài nghi.

Do vùng phủ sóng kém, quá tải người dùng...?

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều tối 16-10, ông Lê Nguyên Đán, trưởng phòng bảo hành và phần mềm hệ thống của Hãng điện thoại Honor VN, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tốc độ 5G phập phù ở những nơi khác nhau như báo Tuổi Trẻ phản ánh.

Thứ nhất là do vùng phủ sóng kém nên nếu người dùng đang ở khu vực có sóng 5G yếu như bên trong tòa nhà cao tầng, dưới hầm hoặc xa trạm phát sóng, chất lượng kết nối sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Thứ hai là quá tải người dùng.

Cụ thể vào các thời điểm cao điểm, số lượng người truy cập mạng tăng đột biến khiến băng thông bị chia sẻ, làm tốc độ mạng giảm.

"Điều này càng nghiêm trọng hơn khi 5G chính thức được thương mại hóa, do nhu cầu sử dụng bùng nổ ngay thời gian đầu" - ông Đán nói và cho rằng còn có một số nguyên nhân về kỹ thuật có thể xảy ra do phiên bản hệ điều hành hoặc phần mềm trên điện thoại của người dùng cũ có thể không hỗ trợ tốt cho mạng 5G, gây ra sự suy giảm hiệu suất.

Cũng có thể do cấu hình cài đặt mạng trên thiết bị người dùng hoặc từ nhà mạng chưa được tinh chỉnh để tận dụng hết hiệu quả của 5G… Theo các chuyên gia viễn thông, những hiện tượng phập phù về tốc độ kết nối nêu trên là hoàn toàn có thể xảy ra với mọi hạ tầng mạng triển khai trong những ngày đầu.

Khi số lượng trạm phát sóng còn rất thưa, có người dùng sẽ ở rìa vùng phủ sóng dẫn đến tốc độ thấp. Lượng người dùng mới muốn trải nghiệm tăng đột biến cũng dẫn đến tốc độ kết nối thấp…

"Nhà mạng cần thời gian để mở rộng và cải thiện hạ tầng mạng, đảm bảo khả năng đáp ứng số lượng người dùng 5G ngày càng tăng, đồng thời mở rộng vùng phủ sóng", đại diện một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ.

Hơn 243.000 thuê bao 2G bị cắt liên lạc

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), kể từ 0h ngày 16-10, 243.567 thuê bao di động sử dụng điện thoại 2G đã bị dừng cung cấp dịch vụ hai chiều. Theo lộ trình, sóng 2G sẽ dừng phát từ 0h ngày 16-10 trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (trừ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK).

Sau thời điểm này, tất cả các thuê bao 2G Only sẽ không thể gọi điện, nhắn tin được nữa. Trước đó, các nhà mạng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuyển đổi lượng thuê bao 2G Only còn hoạt động sang thuê bao 4G. Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình.

Một số doanh nghiệp di động còn có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các hộ nghèo và cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G. Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại, hệ thống bán lẻ cũng tích cực tham gia với nhiều chính sách ưu đãi cho người dùng điện thoại 2G Only.

Đặc biệt, các nhà mạng cho biết tiếp tục duy trì chính sách tặng 1 máy điện thoại 4G cho thuê bao 2G Only chuyển đổi, áp dụng đến ngày 31-12-2024.

Xem thêm tại links gốc : Tốc độ 5G phập phù, người dùng hoài nghi '5G hay 4G cũng chỉ là những con số' - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

← Bài trước Bài sau →