Tin tức thế giới 18-11: Mỹ cho Ukraine bắn tên lửa sâu vào đất Nga; Matxcơva cảnh báo Thế chiến 3
- Người viết: Ecopack lúc
- Tin tức xã hội
Tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300km, do Mỹ chuyển cho Ukraine - Ảnh: AFP
Ông Biden cho phép Ukraine dùng tên lửa đánh sâu lãnh thổ Nga
Theo Hãng tin Reuters, ngày 17-11 (giờ địa phương), nhiều quan chức Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này sản xuất để đánh sâu vào lòng lãnh thổ Nga.
Động thái này hoàn toàn đảo ngược chính sách đã được Washington tiến hành xuyên suốt gần ba năm chiến sự Ukraine và được thực hiện chỉ hai tháng trước khi ông Biden mãn nhiệm kỳ.
Một quan chức Mỹ khẳng định sự thay đổi quan điểm này phần lớn đến từ nghi vấn hàng ngàn lính bộ binh của Triều Tiên đã được Matxcơva và Bình Nhưỡng triển khai trên đất Nga.
Trước mắt, Ukraine nhiều khả năng sẽ sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS (tầm bắn lên đến 306km) được Mỹ cung cấp để tấn công binh sĩ Nga và Triều Tiên đang chiến đấu tại vùng Kursk thuộc Nga trong vài ngày tới.
Giới chức Mỹ không kỳ vọng điều này sẽ thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến. Tuy nhiên, họ tin rằng việc sử dụng tên lửa ATACMS là thông điệp để Triều Tiên thấy được rằng lực lượng của họ đang dễ bị tổn thương và không nên cử thêm binh sĩ nữa.
Ngoài ra, Washington cũng mong quyết định này sẽ kìm hãm bước tiến thần tốc mà quân đội Nga đang có trên lãnh thổ Ukraine, giúp Kiev có vị thế đàm phán vững chắc hơn khi các nỗ lực đối thoại bắt đầu.
Bên cạnh đó, ông Biden hoàn toàn có khả năng sẽ cấp thêm quyền sử dụng loại khí tài này cho những nhiệm vụ nhắm vào các địa điểm khác, qua đó mở rộng sức ảnh hưởng của vũ khí tầm xa Mỹ trên cuộc diện chiến trường.
Ukraine tung hô quyết định mới
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong thông điệp thường nhật cuối ngày 17-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định việc tăng cường khả năng tấn công tầm xa cho Kiev là mấu chốt của kế hoạch chiến thắng được ông đề xuất với đồng minh trong thời gian qua.
Ông tự tin tuyên bố: "Hôm nay, truyền thông nói rất nhiều về việc chúng tôi được cấp phép thực hiện những hành động ấy. Tuy nhiên các cuộc tấn công không được tiến hành bằng lời nói.
Các cuộc tấn công không được công bố trước. Chính những quả tên lửa sẽ tự mình lên tiếng. Chúng chắc chắn sẽ làm được điều đó".
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quyết định của ông Biden. Ông Sikorski viết trên X: "Tổng thống Biden phản ứng với việc binh sĩ Triều Tiên bước vào cuộc chiến và việc Nga thực hiện không kích dữ dội bằng một 'ngôn ngữ' chắc chắn (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ hiểu.
Đó là bằng việc gỡ bỏ rào cản sử dụng tên lửa của phương Tây cho Ukraine".
Nga cảnh báo Thế chiến 3
Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov - Ảnh: TASS
Ở chiều ngược lại, quyết định cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Nhà Trắng vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ Nga.
Thượng nghị sĩ kỳ cựu Andrei Klishas của Nga khẳng định trên Telegram: "Phương Tây đã chọn mức độ leo thang có thể khiến tình trạng quốc gia của Ukraine có thể bị phá nát hoàn toàn trước khi trời sáng".
Trong khi đó, ông Vladimir Dzhabarov, phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, khẳng định động thái phản ứng của Matxcơva sẽ đến nhanh chóng.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Dzhabarov chỉ trích: "Đây là bước đi rất lớn hướng đến việc khởi đầu Thế chiến 3".
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga), ông Leonid Slutsky, cũng cảnh báo việc Mỹ cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS đánh Nga có thể dẫn đến đòn đáp trả khắc nghiệt nhất của Matxcơva.
"Những cuộc tấn công sâu trong lòng lãnh thổ Nga bằng tên lửa Mỹ chắc chắn sẽ dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng và có thể dẫn đến những hậu quả to lớn hơn", ông Slutsky nhận định.
Hồi tháng 9, ông Putin đã khẳng định việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công đất Nga bằng tên lửa do mình sản xuất đồng nghĩa rằng các nước này tham chiến trực tiếp với Nga. Do đó, đây sẽ là động thái có thể thay đổi bản chất và phạm vi cuộc xung đột.
Hiện Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chưa chính thức phản hồi quyết định trên. Tuy nhiên, ông Richard Grenell - một trong những cố vấn đối ngoại thân cận nhất của ông Trump, đã công khai chỉ trích chính quyền ông Biden.
Ông Grenell mỉa mai ngắn gọn trên X: "Leo thang các cuộc chiến tranh trước khi ông ta rời nhiệm sở".
Ông Kim Jong Un: Bán đảo Triều Tiên là điểm nóng nhất thế giới
Ông Kim Jong Un cùng quan chức Triều Tiên giám sát thử nghiệm drone tự sát - Ảnh: KCNA
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 18-11, nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, vừa chỉ đạo quân đội tăng cường năng lực tác chiến nhằm bảo vệ đất nước trong "giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử".
Phát biểu tại một hội thảo dành cho chỉ huy và chính ủy cấp tiểu đoàn tại Bình Nhưỡng hôm 15-11, ông Kim yêu cầu quân đội tăng cường xây dựng sức mạnh chính trị và quân sự, đồng thời tăng cường hiệu quả chiến đấu nhằm đảm bảo lực lượng vũ trang có thể đương đầu một cuộc chiến hiện đại.
Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, các mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, đã dẫn đến "giai đoạn (căng thẳng) tồi tệ nhất lịch sử". Trong đó bán đảo Triều Tiên là "điểm nóng lớn nhất thế giới".
KCNA khẳng định: "Ông (Kim) tha thiết kêu gọi toàn bộ đại biểu dự hội nghị dốc toàn lực để tạo ra sự cải thiện đáng kể và căn bản trong việc nâng cao năng lực chiến đấu thực tế".
Hezbollah xác nhận lãnh đạo bộ phận tuyên truyền thiệt mạng
Ngày 17-11, Hezbollah xác nhận lãnh đạo bộ phận tuyên truyền của tổ chức này, ông Mohammad Afif, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel nhắm vào một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Beirut (Lebanon) trước đó chỉ vài giờ.
Động thái này được cho là tương đối hiếm vì Israel thường không tấn công các thành viên Hezbollah không nắm giữ vai trò quân sự rõ ràng. Bên cạnh đó, các cuộc không kích của Tel Aviv cũng thường tập trung ở khu vực ngoại ô phía nam Beirut, nơi Hezbollah có sự hiện diện rõ ràng.
Giáo hoàng Francis đề xuất điều tra nghi vấn diệt chủng tại Gaza
Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP
Ngày 17-11, Vatican công bố một vài đoạn trích trong một cuốn sách sắp được xuất bản của Giáo hoàng Francis. Trong đó, Giáo hoàng khẳng định một số chuyên gia quốc tế cho rằng "những gì đang diễn ra ở Gaza mang dáng dấp của một cuộc diệt chủng".
"Chúng ta nên điều tra cẩn thận nhằm đánh giá xem (những gì diễn ra ở Gaza) có đáp ứng định nghĩa kỹ thuật của một cuộc diệt chủng do các luật gia và tổ chức quốc tế vạch ra hay không", Giáo hoàng Francis viết.
Israel nhanh chóng chỉ trích những tuyên bố trên là vô căn cứ và khẳng định mình chỉ đang truy lùng Phong trào Hồi giáo Hamas và những tổ chức vũ trang Hồi giáo khác.
Ông Yaron Sideman, đại sứ Israel tại Tòa thánh Vatican, tuyên bố: "Phản hồi thông tin vừa được Vatican News công bố: Đã có một cuộc thảm sát diệt chủng nhắm vào công dân Israel vào ngày 7-10-2023 và từ đó đến nay, Israel đã thực thi quyền tự vệ chống lại những nỗ lực từ bảy mặt trận khác nhau nhằm sát hại công dân mình.
Bất kỳ nỗ lực gọi điều này bằng một tên gọi khác đều là hành vi phân biệt đối xử chống lại Nhà nước Do Thái".
Ô nhiễm ở sân golf Ấn Độ
Những người đánh golf và nhân viên phục vụ đi bộ trên sân golf bị phủ sương mù dày đặc do ô nhiễm không khí ở thành phố Chandigarh (Ấn Độ) ngày 17-11 - Ảnh: AFP
Xem thêm tại links gốc : https://tuoitre.vn/tin-tuc-the-gioi-18-11-my-cho-ukraine-ban-ten-lua-sau-vao-dat-nga-matxcova-canh-bao-the-chien-3-20241118062745542.htm