Tỉ lệ tiêm chủng, trong đó có mũi sởi, đạt thấp trong 2 năm vừa qua đang được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch sởi gần đây - Ảnh: TIẾN QUỐC
Những ngày cuối tháng 8, Trạm y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP.HCM) thông báo sẽ tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ sinh từ tháng 1-2019 đến tháng 8-2023 chưa tiêm mũi nào hoặc tiêm chưa đủ.
Tính đến cuối tháng 8, phường này có 13 ca sởi, nhiều nhất trong 34 phường ở TP Thủ Đức.
Tỉ lệ tiêm chủng thấp
Theo các chuyên gia, dịch sởi bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian gần đây có một phần nguyên nhân từ việc thiếu vắc xin trong những năm trước, đặc biệt từ 2022 đến hết 2023.
Đó là hai năm mà tỉnh Long An đề ra chỉ tiêu tiêm phủ vắc xin cho 85% số trẻ trong độ tuổi, nhưng chỉ đạt khoảng 70% vì thiếu vắc xin. Đầu 2024, tỉnh tổ chức tiêm vét cho trẻ chưa tiêm. Đến nay Long An có 68 ca sởi, 90% chưa tiêm mũi sởi nào (24/61 bệnh nhi chưa đến lịch tiêm), 6% tiêm 1 mũi, 4% đã tiêm đủ 2 mũi.
Ông Huỳnh Hữu Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An, cho biết qua khảo sát lịch trình có đến 59% bệnh nhân đi khám chữa bệnh ở các tỉnh lân cận về rồi phát bệnh sau 5 ngày.
Tại Đồng Nai, tỉ lệ tiêm chủng năm 2023 cho trẻ trong độ tuổi chỉ đạt hơn 77%, sởi mũi 1 là 79,4%, mũi 2 đạt 78%. Năm 2023, Đồng Nai chỉ nhận được 23.320 liều sởi mũi 1 trong khi cần 66.762 liều (đạt 34,93%), vắc xin sởi - rubella chỉ nhận được 19.840 liều/50.257 liều cần (39,48%).
Theo CDC Đồng Nai, ca sởi đầu tiên tỉnh ghi nhận vào cuối tháng 6-2024 và tăng liên tục trong 3 tuần gần đây. Tính đến 22-8, toàn tỉnh ghi nhận 79 ca mắc sởi, tăng 78 ca so với cùng kỳ 2023.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho 16 bệnh nhi mắc sởi, 1 bệnh nhi phải thở máy, 8 ca được hỗ trợ hô hấp không xâm lấn, các ca còn lại tương đối ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - phó giám đốc bệnh viện - cho biết hầu như các bệnh nhi mắc sởi đều chưa chích ngừa, đa phần bệnh nhân phải nằm viện điều trị do bội nhiễm phổi gây biến chứng viêm phổi.
Tại TP.HCM, báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM cho thấy trong chỉ hơn 90% trẻ sinh năm 2021 tiêm vắc xin sởi (chỉ tiêu theo kế hoạch là ≥ 95%), hơn 81% trẻ tiêm vắc xin DPT (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, chỉ tiêu theo kế hoạch là 85%).
Đối với trẻ sinh năm 2022, tỉ lệ đã tiêm chủng đầy đủ tám loại vắc xin đạt 91,4% trên toàn TP, thiếu 3,6% so với chỉ tiêu cần đạt 95%; chỉ có 10/22 quận huyện TP.HCM đạt chỉ tiêu tiêm chủng 95%.
CDC TP.HCM cho biết đến ngày 27-8 TP.HCM ghi nhận 432 ca sởi ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, có đến 74% bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi và 71% bệnh nhân chưa được tiêm chủng vắc xin sởi dù đã đủ tuổi tiêm chủng. Ngày 27-8, chủ tịch UBND TP.HCM đã công bố dịch sởi trên toàn TP.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hữu hiệu phòng sởi - Ảnh: TIẾN QUỐC
Có nguyên nhân do thiếu vắc xin
Ông Huỳnh Hữu Dũng, giám đốc CDC tỉnh Long An, cho biết thiếu vắc xin hai năm 2022 và 2023 là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi bùng phát mạnh. Những tháng cuối 2022, Long An được phân bổ vắc xin nhỏ giọt không đủ tiêm cho trẻ. Sang 2023, việc đấu thầu vắc xin được giao về cho các tỉnh thành.
Theo ông Dũng, đầu năm 2023 Long An xây dựng kế hoạch đấu thầu vắc xin tiêm chủng mở rộng nhưng thấy khó, vắc xin mua từ nước ngoài tỉnh không biết nơi nào bán và hãng nào có chất lượng tốt.
Nếu đấu thầu riêng lẻ sẽ có tình trạng mỗi tỉnh mua một giá khác nhau... Long An không làm hồ sơ đấu thầu vắc xin mà kiến nghị Bộ Y tế đấu thầu rồi phân về các địa phương như trước giờ đã làm.
Đến tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục tìm nguồn đấu thầu cung cấp cho cả nước. Đầu 2024, vắc xin tiêm chủng mở rộng mới được phân bổ về tỉnh, Long An nhận được liền tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho trẻ đã đến tuổi chưa được tiêm, nhưng vẫn không "chạy" lại với bệnh sởi.
Ông Dũng khẳng định bệnh sởi năm nay tăng do nhiều nguyên nhân bao gồm cả việc thiếu vắc xin những năm trước. Năm 2024 là năm chu kỳ dịch sởi, mà hai năm trước đó thiếu vắc xin nên miễn dịch cộng đồng kém đi nhiều.
Ông Lưu Văn Dũng, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, nhận định có hai nguyên nhân khiến số ca mắc sởi tăng. Chu kỳ dịch sởi xuất hiện 4 - 5 năm/lần cộng với "khoảng trống miễn dịch" do trẻ không được tiêm đầy đủ, miễn dịch cộng đồng yếu đi.
Thứ hai là yếu tố địa lý, Đồng Nai là đầu mối giao thông, người đến và đi đông, nguy cơ lây lan dịch cao.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết năm 2023 các địa phương được giao tự đấu thầu mua vắc xin nhưng họ không thể làm do nhiều vướng mắc, lo ngại nếu tự mua xảy ra tình trạng cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá (đấu thầu thì giá bỏ thầu khác nhau, trong khi chủng loại vắc xin không nhiều) dễ dẫn đến vướng mắc pháp lý như từng xảy ra khi mua bán thiết bị y tế, test xét nghiệm... trong dịch COVID-19.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia khẳng định dịch gia tăng do nhiều yếu tố. Theo dữ liệu của WHO, châu Âu có hơn 300.000 ca mắc sởi năm 2023, tăng 30 lần so với 2022. Tại tây Thái Bình Dương, số ca sởi 2023 đã tăng 255% so với 2022.
Nhưng nhìn lại lịch sử, một điều dễ nhận thấy là dịch thường xảy ra vào năm liền kề sau của năm thiếu vắc xin hoặc là năm tỉ lệ tiêm chủng xuống thấp.
Năm 2013, sau 3 ca tử vong do tiêm nhầm vắc xin tại Quảng Trị và một số tai biến sau tiêm, tỉ lệ tiêm chủng cả nước giảm mạnh. Năm 2014, bệnh sởi tăng, được xem là dịch sởi mạnh nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Năm 2024 này cũng có những dấu hiệu tương tự như vậy, sau khi vắc xin thiếu vào năm 2023
Xem thêm tại links gốc : Thiếu vắc xin khiến dịch sởi nặng hơn? - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)