Những cuộc thi độc đáo ở TP.HCM: Đi thi như đi chơi, tha hồ sáng tạo

Những cuộc thi độc đáo ở TP.HCM: Đi thi như đi chơi, tha hồ sáng tạo

Những cuộc thi gây bất ngờ, thú vị cho học sinh - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia hội thi Văn hay chữ tốt do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình tổ chức tháng 10-2024 chơi trò chơi dân gian trước khi vào phòng làm bài thi - Ảnh: H.HG.

Chơi trò chơi dân gian và viết cảm nhận

Ngày 16-10, tại cuộc thi Văn hay chữ tốt do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TP.HCM) tổ chức dành cho học sinh THCS, các thí sinh đã rất bất ngờ khi được yêu cầu... chơi trò chơi dân gian.

Gần 100 thí sinh đã tỏa đi khắp nơi trong sân trường, trải nghiệm trò ném còn, nhảy dây, nhảy lò cò, chơi banh đũa, chơi ô ăn quan...

"Đó là những phút giây thoải mái và cực kỳ thú vị. Chúng em cố gắng chinh phục các trò chơi để nhận phần thưởng. Sau khi chơi xong, em và các bạn thí sinh khác mới được vào phòng thi và làm bài. Đọc đề thi, em càng bất ngờ hơn nữa khi nội dung đề thi có liên quan đến trải nghiệm của chúng em khi chơi trò chơi dân gian" - Tuyết Nhung, học sinh Trường THCS Quang Trung, cho biết.

Trong khi đó, cuộc thi Văn hay chữ tốt năm học 2019 - 2020 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức còn gây bất ngờ hơn nữa. Đến điểm thi, mỗi thí sinh được phát một băng bịt mắt màu đen. Các em đeo băng bịt mắt và trải nghiệm tìm đường đi trong bóng tối, sau đó ngồi vào bàn ăn và dùng bữa sáng như một người khiếm thị.

Ngoài ra, với chủ ý để học sinh lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên, ban tổ chức cuộc thi còn cho thí sinh lạc vào một vùng ô nhiễm, bít bùng, tràn ngập rác thải nhựa (thí sinh vẫn đeo băng bịt mắt). Tiếp theo đó, các em được hướng dẫn để đi ra một khu vườn xanh mát, có thật nhiều cây xanh.

Sau trải nghiệm nhớ đời ấy, học sinh mới vào phòng thi và chính thức làm bài. Đề thi năm đó dành cho học sinh khối 6, khối 7 là: "Tình yêu khơi lên từ những trải nghiệm"; khối 8, khối 9 là: "Tôi trải nghiệm - Tôi trưởng thành". Năm đó Bùi Ngọc Hân - lớp 9/4 Trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp - đã thốt lên: "Cuộc thi đã gây cho em rất nhiều bất ngờ: bất ngờ ngay từ cách thức thi đến đề thi và cả đến lúc trao giải".

Sau khi chơi trò chơi dân gian, em và các bạn thí sinh khác mới được vào phòng thi và làm bài. Đọc đề thi em càng bất ngờ hơn nữa khi nội dung đề thi có liên quan đến trải nghiệm của chúng em khi chơi trò chơi dân gian.

Tuyết Nhung (học sinh Trường THCS Quang Trung)

Đổi mới mạnh mẽ ra đề thi

Những năm gần đây, cùng với chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học văn trong trường phổ thông, ngành GD-ĐT TP.HCM đã đổi mới mạnh mẽ việc ra đề thi tuyển sinh lớp 10. Ngay cả những cuộc thi phong trào như Văn hay chữ tốt, Lớn lên cùng sách... cũng được cải tiến theo chủ trương trên. Trong đó thí sinh luôn được trải nghiệm một hoạt động nào đó trước khi chính thức làm bài thi.

Tại hội thi Lớn lên cùng sách năm 2024 (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức), thí sinh đã được trải nghiệm ở Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1.

"Cứ tưởng sau khi nghe chuyên gia hướng dẫn về phương pháp đọc sách hiệu quả thì chúng em sẽ làm bài thi. Nhưng không, chúng em được ban tổ chức hội thi phát tiền, các nhóm sẽ cùng thảo luận, thống nhất và đi chọn mua sách ngay tại đường sách để gửi tặng bạn ở huyện Cần Giờ (một huyện vùng sâu vùng xa của TP.HCM - PV)", một thí sinh ở quận Phú Nhuận thích thú chia sẻ.

Tương tự, khi tham gia hội thi Lớn lên cùng sách năm 2023, tất cả thí sinh được đưa đi tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Thí sinh phải vượt qua thử thách "đọc một trang sách lớn", là những sự kiện trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Các em sẽ đọc lịch sử qua cổ vật, triển lãm tranh, mô hình, số liệu, qua sự thuyết minh của hướng dẫn viên ở bảo tàng... chứ không chỉ đọc văn bản, đọc câu chữ trên sách vở.

Dĩ nhiên, những hoạt động trải nghiệm luôn là chủ ý của ban tổ chức hội thi. Sau khi trải nghiệm hành trình "đọc" rất đặc biệt như trên, các thí sinh trở về phòng thi để thiết kế một quyển sách với chủ đề "Quyển sách lịch sử của tôi". Quyển sách gồm ba phần nội dung chính những dấu ấn lịch sử, suy nghĩ và cảm xúc đọng lại, lời nhắn gửi của tiền nhân.

Riêng đề thi Lớn lên cùng sách năm 2024 yêu cầu thí sinh hoàn thành một cuốn nhật ký đọc sách mini. Trong đó các em sẽ đặt tựa đề, trang trí bìa sách, ghi lại ngắn gọn phương pháp đọc nhanh một cuốn sách.

* ThS Trần Tiến Thành (chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP.HCM, thành viên ban ra đề hội thi Văn hay chữ tốt, Lớn lên cùng sách):

Khơi gợi cảm xúc cho học sinh

Việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm trước khi làm bài thi với yêu cầu cụ thể chính là cách giúp học sinh phát triển phẩm chất - năng lực của mình. Qua nhiều năm đổi mới cách thức thi, tôi nhận thấy học sinh đã thể hiện hơi thở cuộc sống tốt hơn, chân thực hơn, bớt những bài viết khuôn mẫu, sáo rỗng...

Văn chương phải gắn liền với cuộc sống! Điều này không chỉ thể hiện ở các cuộc thi. Hiện tại, nhiều giáo viên ở TP.HCM cũng đã và đang tổ chức cho học sinh đi thực tế, cảm nhận cuộc sống... trong quá trình giảng dạy. Đây là một trong những phương pháp khơi gợi cảm xúc cho học sinh, làm cho môn văn thú vị hơn, hữu ích hơn...

Cảm hứng để đổi mới phương pháp giảng dạy

Là giáo viên đã từng đồng hành với học sinh của mình qua nhiều năm đi thi Lớn lên cùng sách, Văn hay chữ tốt..., cô Đoàn Xuân Nhung - giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 - bày tỏ: "Dù chỉ là những cuộc thi phong trào nhưng cách thức tổ chức thi và nội dung đề thi như những năm gần đây đã tạo hiệu ứng tích cực.

Chúng tôi như được truyền cảm hứng để đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường cho học sinh trải nghiệm, cọ xát với thực tế, cảm nhận cuộc sống chân thực đang diễn ra xung quanh mình. Từ đó, học sinh học văn tốt hơn, yêu thích việc đọc sách hơn...".

Xem thêm tại links gốc : Những cuộc thi độc đáo ở TP.HCM: Đi thi như đi chơi, tha hồ sáng tạo - Tuổi Trẻ Online

← Bài trước Bài sau →