Messi và những màn ăn mừng gây sốt trên đất Mỹ - Ảnh: Reuters
Messi và những màn ăn mừng gây sốt trên đất Mỹ - Ảnh: Reuters
Sáng 20-10 (giờ VN), Messi vào sân từ hiệp 2 và tỏa sáng với một cú hat-trick giúp Inter Miami đè bẹp New England với tỉ số 6-2.
Cuộc đua Messi - Ronaldo
Đó cũng là vòng đấu cuối cùng của giai đoạn vòng bảng mùa giải 2024 ở Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Một trận thắng không mang nhiều ý nghĩa về mặt danh hiệu, bởi trước đó Inter Miami đã đoạt danh hiệu Supporters' Shield dành cho đội bóng đứng đầu giai đoạn vòng bảng của cả hai miền Đông và Tây. Để giành chức vô địch chung cuộc của mùa giải, Messi cùng các đồng đội còn phải chinh chiến ở MLS Cup với thể thức đấu loại trực tiếp trong 2 tháng tới.
Dù vậy, trận thắng trước New England một lần nữa khiến người hâm mộ bóng đá phải ngả mũ trước Messi, bởi qua đó Inter Miami đã kết thúc giai đoạn vòng bảng với số điểm kỷ lục -74 điểm, nhiều hơn 1 điểm so với kỷ lục của chính New England thiết lập 3 năm trước.
Những kỷ lục một lần nữa lại theo đuổi Messi. Đó là những cột mốc về mặt tập thể và tạo nên một giá trị đối lập so với Ronaldo.
Một tháng trước, siêu sao người Bồ Đào Nha đạt đến cột mốc 900 bàn thắng trong sự nghiệp. Ronaldo làm hẳn một chương trình Youtube để nói về cột mốc đặc biệt của mình, đồng thời "tuyên chiến" với "vua bóng đá Pele" khi khẳng định tham vọng ghi 1.000 bàn thắng "có video clip" - hàm ý chế giễu những cựu danh thủ thời xa xưa chỉ ghi nhận các kỷ lục một cách thiếu minh bạch.
Bóng đá Saudi Arabia liệu có được hưởng lợi bởi tham vọng và các kỷ lục của Ronaldo? Chắc chắn là có. Ngay chính người bạn thân của Messi là Neymar mới đây cũng ca ngợi Ronaldo về vai trò "mở đường" cho làn sóng đổ xô sang Saudi Arabia.
Nhưng nhìn chung, sau 2 năm làm dậy sóng làng bóng đá thế giới, Saudi Arabia vẫn chỉ được xem là một phiên bản nâng cấp so với bóng đá Trung Quốc của giai đoạn hơn 5 năm trước hoặc của Qatar 10 năm qua.
Năm 2034, ngày hội World Cup sẽ đến Saudi Arabia. Đó là thời điểm để làng bóng đá thẩm định về sức mạnh thực thụ của quốc gia giàu có này. Ronaldo khi đó có lẽ sẽ ngồi trên khán đài danh dự và đón nhận những tràng pháo tay vang dội. Khi đó, người hâm mộ sẽ có cơ hội chứng thực phát biểu của Ronaldo 10 năm trước đó (tức thời điểm hiện tại).
Messi góp công lớn vào thành công của Inter Miami - Ảnh: REUTERS
Bóng đá Mỹ nay đã khác xưa
Còn với Messi, câu trả lời sẽ có chỉ sau chưa đầy 2 năm nữa, khi World Cup 2026 trở lại Mỹ. Và sớm hơn thế nữa, đó là khi kỳ FIFA Club World Cup 2025 diễn ra tại đây với một cột mốc lịch sử. Messi nhiều khả năng sẽ có mặt ở cả hai giải đấu đó.
Vài ngày trước, FIFA đã chính thức thông báo tấm vé khách mời dự FIFA Club World Cup 2025 thuộc về Inter Miami, một suất đặc cách dành cho chủ nhà Mỹ. Nhiều người có thể dè bỉu, nhưng thật ra đó là sự ưu đãi hợp lý dành cho nước chủ nhà. Sau những gì Messi, Suarez, Busquets, Alba, cũng như ông bầu David Beckham thể hiện một năm qua, họ hoàn toàn xứng đáng có mặt ở ngày hội hành tinh của bóng đá cấp CLB.
Tại đó, người hâm mộ một lần nữa sống lại cảm giác thân quen khi Messi đối đầu Real Madrid, Bayern Munich, Man City, PSG…
Tất cả mỹ mãn như một kế hoạch công phu của Messi và bóng đá Mỹ. 2 năm trước, ngôi sao được thừa nhận rộng rãi là GOAT (vĩ đại nhất mọi thời đại) đã chọn sang Mỹ, thay vì Saudi Arabia - nơi anh được Al Hilal chào đón với mức lương gấp đôi Ronaldo, trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.
Giờ đây, tất cả đều trở nên hợp lý, khi Messi chuẩn bị ra sân ở kỳ Club World Cup lịch sử mà FIFA dày công ấp ủ với quy mô lớn ngang World Cup cấp tuyển quốc gia (phiên bản cũ), tổng tiền thưởng lên đến 3 tỉ USD và sự hiện diện của hàng loạt CLB hàng đầu châu Âu.
Những cú hích đó nhằm mục đích giúp người Mỹ "yêu bóng đá" - điều mà kỳ World Cup 1994 chưa thể làm được. Năm đó, bóng đá Mỹ nhìn chung vẫn xa lạ trong mắt người hâm mộ với chỉ vỏn vẹn 3-4 cầu thủ chơi bóng ở châu Âu, trong màu áo những CLB ít tên tuổi.
Sau 30 năm, người Mỹ vẫn chưa yêu bóng đá. Nhưng nhờ Messi và Beckham, cũng như những nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá Mỹ, nước Mỹ vẫn lặng lẽ tiến đến đẳng cấp thế giới. 15/24 tuyển thủ Mỹ ở đợt hội quân vừa rồi chơi bóng ở châu Âu, trong màu áo những CLB hàng đầu. Nếu liệt kê thêm, danh sách này sẽ dài đến 30 - 40 cái tên.
Người hâm mộ có thể sẽ giật mình nếu phát hiện ra rằng trong danh sách đó có những cái tên rất đỗi quen thuộc với bóng đá châu Âu là Florentin Balogun - tiền đạo cự phách của Monaco; Timothy Weah - con trai của George Weah, tuy chưa đạt đến nhưng cũng phần nào tiệm cận trình độ người cha lừng lẫy; một loạt các ngôi sao Premier League và Serie A như Tyler Adams, Aaronson, Antonee Robinson, Pulisic…
2 năm tới sẽ là 2 năm vô cùng sôi động của làng bóng đá, khi người Mỹ bắt đầu hướng mắt về những trận cầu đỉnh cao thế giới. Thống kê của Visa cho thấy ở World Cup 2018 diễn ra tại Nga, người Mỹ đứng đầu về chi tiêu (không tính nước chủ nhà) với con số 57 triệu USD, dù năm đó tuyển Mỹ… không dự World Cup
Xem thêm tại links gốc : Messi đến Mỹ: Nước cờ cao của bóng đá Mỹ - Tuổi Trẻ Online