Nhiều ngôi nhà chỉ còn nổi phần mái - Ảnh: HỒNG QUANG
Hà Nội đã di dời hàng trăm hộ dân
Rạng sáng 11-9, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận đã di dời 836 hộ dân (đạt 100%) ngoài đê sông Hồng (thuộc 4 phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát) đến nơi an toàn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã di dời toàn bộ khoảng 200 hộ dân có nguy cơ cao tại khu vực bờ vở sông Hồng, thuộc phường Phúc Xá trong ngày 10-9.
Còn tại quận Tây Hồ, lãnh đạo UBND quận cho biết đã chỉ đạo các phường Yên Phụ, Tứ Liên, Phú Thượng và lực lượng quân sự, công an phường tổ chức vận động, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đến chiều 10-9, đã di dời 245 nhân khẩu tại khu vực bãi và bãi giữa sông Hồng
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội vượt báo động 2, cảnh báo ngập lụt ven đê
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo lũ trên sông Hồng ở Hà Nội đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Sáng 11-9, Hà Nội tiếp tục có mưa nặng hạt. Ghi nhận tại cầu Đuống, nước sông dâng cao, tiến sát mặt cầu - Ảnh: HỒNG QUANG
Còn lũ trên sông Hồng tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m).
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: sáng 11-9 lũ rên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Lúc 5h ngày 11-9 mức lũ trên các sông như sau:
Trên sông Hồng tại Yên Bái 34,79m, trên BĐ3: 2,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m; tại Phú Thọ 18,27m, trên BĐ2: 0,07m;
Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,14m, trên BĐ3 0,84m;
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,05m, trên BĐ3 0,75m;
Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,73m, trên BĐ3 1,73m; tại Vụ Quang 20,89m, trên BĐ3 0,39m.
Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,46m, trên mức BĐ3 0,46m;
Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,77m, dưới mức BĐ3 0,23m;
Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,76m, trên BĐ2 0,26m.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội vượt báo động 2, cảnh báo ngập lụt ven đê - Ảnh 2.
Mực nước nhiều sông tại Hải Dương lên mức trên báo động 3
Dự báo trong 12 giờ tới:
Lũ trên sông Hồng tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
Vịt bơi trên phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,80m, trên BĐ3 1,80m vào sáng 11-9 sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21m, trên mức BĐ3 0,50m vào trưa 11-9 sau đó xuống.
Lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Thái Bình, Sông Hoàng Long tiếp tục lên hoặc biến đổi chậm nhưng đều trên mức BĐ3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh ở mức trên BĐ2 vào trưa 11-9 9 (dự báo đến 13h ngày 11-9 đạt 10,75m, trên BĐ2 là 0,25m), sau đó xuống chậm.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo:
Lũ trên sông Hồng tại Yên Bái tiếp tục xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ xuống chậm dưới mức BĐ2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3.
Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục lên chậm ở trên mức BĐ3
Lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên chậm trên mức BĐ3
Lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3
Lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức BĐ2
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức BĐ2
Nhiều sông nước lên mức báo động 3
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong 12 đến 24h tới mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3.
Nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Với các tỉnh miền núi phía Bắc, lũ vẫn gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Tại trạm thủy văn Phú Lương (hữu sông Thái Bình, thuộc địa phận TP Hải Dương) đạt 4,01 m (báo động III là 4,0 m), tại trạm thủy văn An Phụ (sông tả Kinh Môn, thuộc địa phận phường An Phụ, Kinh Môn) đạt 3,02 m (báo động III là 2,9 m).
Trong bản tin phát lúc 3h30 sáng 11-9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo từ sáng 11 đến 13-9 Hải Dương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 40 - 70 mm, có nơi cao hơn.
Do mưa lớn, cần đề phòng nguy cơ gây ngập úng cho diện tích lúa, hoa màu; sạt lở đất tại các vùng núi Chí Linh, Kinh Môn.
Đề phòng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước, gây ra ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng, thấp.
Trước đó, do tình hình mưa lũ phức tạp, chiều ngày 10-9, UBND thị xã Kinh Môn đã ra thông báo cấm xe ô tô tải di chuyển trên đê đoạn qua thị xã cho đến khi có thông báo mới.
Bộ đội và nhân dân đã khẩn trương hàn vá đoạn đê vỡ ngay trong đêm 10-9 - Ảnh: FP báo Tuyên Quang Online
Vỡ đê sông Lô ở Tuyên Quang không gây thiệt hại về người và tài sản
Liên quan đến sự cố vỡ đê sông Lô (đoạn qua xã Quyết Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 11-9, bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết đoạn đê bị vỡ dài hơn 10m, tuy nhiên huyện rất kịp thời nắm bắt tình hình nên đã di chuyển toàn bộ các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn.
"Trong sáng nay, huyện Sơn Dương họp cùng các cơ quan chuyên môn để đánh giá tác động để tiếp tục có biện pháp xử lý sự cố này để đảm bảo an toàn cho người dân.
Hiện tại nước đã chững (nước lũ không lên thêm - PV), nhân dân an toàn, ổn định, các hộ dân đều đã được di chuyển đảm bảo cả người và tài sản, chỉ ảnh hưởng đến hoa màu" – bà Huyền nói.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đoạn đê bị sự cố này (dài khoảng 10m) thuộc tuyến đê tả Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, là đê cấp V.
Đoạn đê bảo vệ cho khu vực có dân cư sinh sống. Hiện địa phương đang xử lý đoạn đê bị sự cố và đã di dời 40 hộ dân có nguy cơ bị ngập nếu nước sông tràn vào.
Cảnh sát phân luồng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại khu vực ngập úng - Ảnh: Công an cung cấp
Hạn chế lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập sâu
Cục Cảnh sát giao thông sáng 11-9 cho biết tuyến cao tốc Pháp vân - Cầu giẽ đoạn Km191-192 ngập sâu cả 2 chiều.
Cơ quan này khuyến cáo người dân hạn chế qua khu vực này, đặc biệt là ô tô gầm thấp.
Lộ trình thay thế được khuyến cáo như sau:
- Xe đi từ Hà Nội đi quốc lộ 1 và ra lại cao tốc ở nút giao Thường Tín
- Xe đi hướng Hà Nam - Hà Nội đi ra ở nút giao Vạn Điểm và nút giao Thường Tín.
Quân đội và công an dùng xuồng vào thôn Đa Hội, xã hợp Thinh, Hiệp Hòa, Bắc Giang để di chuyển người dân đến nơi an toàn - Ảnh: THẮNG NGUYỄN
Bắc Giang: Lũ chỉ tràn đê bối bảo vệ đê chính, huyện vẫn sơ tán 500 hộ dân
7h30 sáng 11-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Công Bộ - chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - cho biết không có việc vỡ đê như thông tin trên mạng xã hội.
Theo ông Bộ, tối 10-9, đê bối tức đê quai, bảo vệ khu vực ngoài đê chính tại thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh bị tràn nằm trong phương án chống lụt bão tại địa phương. Đê bối được thiết kế để chống lũ dưới báo động 2.
Trường hợp vượt báo động 3, nước sẽ tràn qua đê bối này theo kế hoạch, lộ trình, phương án phân lũ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, tối 10-9, huyện đã sơ tán 500 hộ dân với khoảng 2.000 người tại xã Hợp Thịnh, trong đó ưu tiên người cao tuổi, trẻ em.
"Đến nay (7h30 sáng 11-9), đê tả Cầu không gặp vấn đề. Không phải vỡ đê hay tràn đê. Nhiều bà con nhân dân đã di chuyển an toàn đến nhà người thân, hàng xóm trong thôn. Xã cũng bố trí nơi ở những ai có nhu cầu (đến nay khoảng 20 người)", ông nói.
Trước đó, tối 10-9, dù trời mưa lớn, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo chính quyền và lực lượng chức năng đã dùng xuồng tới từng ngõ trong thôn Đa Hội để đưa người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Tường, 53 tuổi, trú thôn Đa Hội, ông nghe tin nước tràn qua đê bối vào thôn từ tối, nước dâng nhanh nhưng được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản từ trước và đưa đến nơi an toàn nên bớt lo lắng.
Đến sáng 11-9, người dân trong thôn Đa Hội cơ bản ổn định, đủ lương thực, thực phẩm, nước uống.
Tại các nơi ngập lụt, UBND huyện Hiệp Hòa đã cử lực lượng công an, quân đội túc trực 24/24h, kiểm tra và có phương án gia cố đê, hỗ trợ người dân khi cần thiết. Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa và cơ sở hội đã vận động ủng hộ các xã vùng lũ 300 thùng nước ngọt, 125 thùng mì tôm, 50kg gạo nếp (nấu xôi), 1.000 quả trứng và 500 bao tải chống tràn đê.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến 5h27 sáng 11-9, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu là 7,14m, trên báo động 3 0,84m. Dự báo trong 12 giờ tới lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên báo động 3.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục lên chậm, trên báo động 3. Trung tâm cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông ở Bắc Giang như Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam…
Hải Dương phát lệnh báo động 3 trên sông Thái Bình, yêu cầu hoãn các cuộc họp chưa cần thiết
7 giờ sáng 11-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động 3 trên hệ thống sông Thái Bình.
Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã các cấp, ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ đầu giờ.
Tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định. Cấm hoạt động đò ngang.
Yêu cầu hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải coi công tác phòng chống lũ lụt là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất để tập trung chỉ đạo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra.
Xem tại links gốc : Lũ đang dồn về hạ lưu sông Hồng - Hà Nội và vùng phụ cận - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)