Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ

Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ

Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ - Ảnh 1.

Góc học tập của Nguyễn Phi Đức Minh ngay bên bàn thờ của mẹ vẫn còn nghi ngút khói hương trong căn nhà nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP.HCM - Ảnh: K.ANH

Đó là lời nhắn gửi tha thiết của giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TP.HCM) - gửi cho chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

'Tôi tha thiết...'

"Rất mong quý báo dành chút quan tâm đến em Nguyễn Phi Đức Minh, để em có thêm động lực vững bước trên con đường phía trước. Em Minh đã nỗ lực học tập trong suốt năm lớp 12 để đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

Trong thời gian mẹ bệnh ung thư, em đã nỗ lực rất nhiều để đồng hành cùng mẹ điều trị bệnh và ôn thi thật tốt, đạt điểm cao, đậu vào ngành và trường em mong muốn. Việc mẹ bị bệnh là một cú sốc rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của em Minh rất nhiều. Nhưng Minh vẫn luôn phấn đấu chăm chỉ học tập, không buông xuôi. Trò Minh đã tự nhắc nhở bản thân mạnh mẽ, ổn định tâm lý để làm chỗ dựa cho mẹ và bà ngoại.

Em đã lấy mục tiêu phải đậu vào trường đại học mong ước để luôn phấn đấu, và tiếp tục nỗ lực học tập trong giai đoạn khó khăn này.

Em rất khát khao được tiếp tục đi học đại học. Nếu may mắn được chọn để trao học bổng, tôi cam kết trò Minh sẽ sử dụng số tiền được trao vào mục đích đóng học phí để được đi học tiếp. Tôi tha thiết mong muốn ban xét tuyển chương trình học bổng xem xét và hỗ trợ cho học trò của tôi ở mức cao nhất có thể".

Nhận dòng tin học trò báo mồ côi thêm mẹ, cô giáo quay lại Sài Gòn

"Cô ơi, em đậu Trường đại học Tôn Đức Thắng rồi. Em nhắn cô biết nhưng mẹ em không còn nữa để mừng em đậu vô ngôi trường mà em và mẹ cùng yêu thích". Đó là dòng tin nhắn tân sinh viên Nguyễn Phi Đức Minh gửi đến cô Nhàn.

Cô giáo đọc tin không thể kìm nước mắt. Dù đang nghỉ hè tại quê, nhận tin Minh nhắn, cô Nhàn tức tốc trở lại TP.HCM ngay hôm sau để đến an ủi cậu học trò ngoan, giỏi của mình.

Minh mồ côi ba từ khi mới 7 tuổi, nay mẹ cũng ra đi mãi mãi, chỉ còn bà ngoại 80 tuổi là chỗ nương tựa.

"Nghĩ lại những ngày mẹ Minh đau ốm, tôi lại thấy có lỗi vì có lần la rầy em tại sao lại đi học trễ. Là lúc đó em phải vừa chăm mẹ, vừa đi học những ngày nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Minh kín tiếng, không cho ai biết hoàn cảnh ngặt nghèo, chỉ khi mẹ mất, con mới báo cô giáo. Tôi cũng đã xin ý kiến ban giám hiệu cho lớp kêu gọi phụ huynh chia sẻ để có chút kinh phí giúp em bước đầu nhập học.

Nhưng phía trước em sẽ rất khó khăn. Học sinh mồ côi, khó khăn của trường không phải không có, nhưng trường hợp ngặt nghèo và mất cả cha mẹ như Minh thì chỉ mình em ấy" - cô Nhàn chia sẻ.

Đó là lý do cô quyết định gửi những thông tin của cậu học trò đến báo Tuổi Trẻ, mong ban tổ chức chương trình học bổng Tiếp sức đến trường xem xét trao cho Minh suất học bổng giúp Minh vơi đi khó khăn.

Mất mẹ ngay mùa thi, không cho ai biết nhọc nhằn

 

Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ - Ảnh 3.

Nguyễn Phi Đức Minh phụ ngoại những việc lặt vặt trong nhà, từ ngày mẹ mất, căn nhà nhỏ chỉ còn hai bà cháu - Ảnh: K.ANH

Khoảng tháng 5-2024, khi Minh chuẩn bị ôn thi cho kỳ vượt vũ môn quan trọng của 12 năm đèn sách cũng là lúc mẹ Minh đổ bệnh. Chữa trị nhiều nơi, bệnh bà vẫn không thuyên giảm.

"Mẹ tôi lúc bệnh, không ăn uống gì được, sức khỏe kém đi thấy rõ. Mẹ gầy rạc người, những cơn đau hành hạ thân xác mẹ. Tôi không biết phải làm sao để mẹ bớt đớn đau. Tôi luôn khẩn cầu mong mẹ khỏe lại, nhưng phép mầu đã không đến", Minh kể.

Ngoài những giờ phụ bà ngoại chăm mẹ, Minh tìm niềm vui trên từng con chữ, phép tính chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngày nhà trường làm lễ trưởng thành, mình Minh đi dự vì mẹ đã vào giai đoạn nặng, không thể đi đứng nổi.

"Thấy bạn bè ai cũng có ba mẹ dự lễ trưởng thành, chụp hình vui vẻ, tôi cũng tủi thân, nhưng phải tự thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực ấy. Chỉ có hơn hai tháng từ khi phát bệnh, mẹ không thể chiến thắng bệnh tật. Mẹ còn chưa kịp mừng khi tôi biết điểm chuẩn đậu đại học", Minh tâm sự.

Đôi lúc cũng muốn buông xuôi, nhưng chính Minh tự nhắc mình hãy gói nỗi buồn một góc trong tim để tiếp tục học cho mẹ và bà ngoại yên tâm. Nhờ vậy mà ba môn xét tuyển của Minh vào ngành kỹ thuật điện tử viễn thông (Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) đạt hơn 22 điểm (toán 6.2, vật lý 7.75 và tiếng Anh 8.2).

Ngay sau khi mẹ mất, nhận tin đậu đại học, Minh cũng đã vực dậy tinh thần, nhờ người bạn chở đi kiếm việc làm thêm. Khi Minh đến nơi, chủ quán cà phê nói không nhận vì chưa đủ 18 tuổi.

Cậu học trò có cặp kính cận dày cộm trải lòng: "Tôi cũng mong có việc gì để làm phụ bà ngoại. Bà bán ít đồ nên không có lời bao nhiêu. Tôi đi học sẽ rất nhiều chi phí. Tôi chỉ sợ dở dang việc học giữa chừng. Có việc làm thêm, tôi sẽ tiết kiệm dành đóng học phí, còn mọi chi tiêu khác tôi sẽ hạn chế mức tối thiểu".

Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ - Ảnh 4.

Ngoài giờ học, Nguyễn Phi Đức Minh phụ ngoại bán rau trước cửa nhà - Ảnh: K.ANH

Bà ngoại bán rau 80 tuổi 'kêu gọi' ông nội 70 tuổi chạy xe ôm cùng lo học phí cho cháu 

Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ - Ảnh 5.

Mỗi sớm chiều,, Nguyễn Phi Đức Minh phụ ngoại dọn ít rau bán ngay trước cửa nhà kiếm chút tiền bà cháu nuôi nhau và nuôi giấc mơ đến giảng đường của Minh - Ảnh: K.ANH

Nhiều lúc ngồi lo lắng cho tương lai của cháu, bà Nguyễn Thị Nhung, 80 tuổi, nói: "Nhà không còn đồng nào, chỉ biết trông chừng mấy rổ hành tỏi, ớt, xả kiếm vài ngàn cho cháu có cái ăn. Còn tiền học phí của nó mấy chục triệu, tui đã gọi cho ông nội của nó ngoài 70 tuổi, đang chạy xe ôm ráng tiết kiệm cùng tôi lo được bây nhiêu cho cháu cũng ráng lo".

Bà nói không dám tính tới phía trước, nhưng cháu ham học thì bà ráng. Bà còn phải động viên cháu gắng học cho mẹ nơi chín suối an lòng.

Bộ đồng phục thể dục 130.000 đồng nghĩ mãi không dám xin

Vào học được ít hôm, Minh xin ngoại 130.000 đồng để đóng tiền mua bộ đồng phục thể dục, vậy mà cậu cứ đắn đo mãi. Số tiền đó cũng là lớn lắm so với những đồng lời từ mớ ớt, tỏi, hành, xả mà bà bán ngay trước nhà.

"Tôi nói thấy người ta bán 100.000 đồng 3 cái áo thun ngay chợ mà sao con mua bộ đồ tới 130.000 đồng. Nó nói đây là cả cái áo với cái quần mà in đồng phục nữa. Vậy chứ tôi thấy nó mặc bộ đồng phục đẹp lắm, trên áo còn có tên trường của nó, cũng vui lắm", bà ngoại của Minh móm mém nói.

'Phút cuối đời, mẹ vẫn chưa được biết tin con đậu đại học mẹ ơi…' - Ảnh 5.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Xem thêm tại links gốc : https://tuoitre.vn/la-thu-tha-thiet-cua-co-giao-chu-nhiem-truong-ernst-thalmann-gui-bao-tuoi-tre-20241115174701211.htm#content-1

← Bài trước Bài sau →