Một người dân bật khóc khi thấy ngôi nhà của mình bị hư hại trong cuộc không kích bằng tên lửa của Nga vào thành phố Odessa (Ukraine) vào hôm 17-11- Ảnh: Reuters
Xu hướng ủng hộ đối thoại dần trở nên rõ nét khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức thừa nhận ảnh hưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy chiến sự Ukraine "kết thúc sớm hơn" chỉ trong năm 2025 bằng con đường ngoại giao.
Chúng tôi sẽ làm việc về vấn đề Trung Đông và sẽ làm việc rất quyết liệt về vấn đề Nga và Ukraine. Chuyện này (chiến sự) phải dừng lại. Nga và Ukraine phải dừng lại.
Tổng thống đắc cử DONALD TRUMP phát biểu hôm 14-11
Kế hoạch của ông Zelensky
Thế khó của ông Zelensky lúc này là ông không thể đòi hỏi cùng lúc "bộ ba bất khả thi": lãnh thổ, an ninh, kinh tế. Nghĩa là nếu Ukraine vẫn muốn tiếp tục duy trì chiến tranh để đòi lại lãnh thổ, đồng thời đòi hỏi hỗ trợ an ninh từ phương Tây thì chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh tiêu hao không thể phục hồi nền kinh tế.
Tin tức thế giới 18-11: Mỹ cho Ukraine bắn tên lửa sâu vào đất Nga; Matxcơva cảnh báo Thế chiến 3ĐỌC NGAY
Ở cặp điều kiện đòi hỏi đảm bảo cùng lúc về lãnh thổ lẫn viện trợ kinh tế, Ukraine sẽ khó có thể vực dậy xu hướng suy giảm năng lực đảm bảo an ninh của các đối tác phương Tây. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung về khí tài quân sự đang có chiều hướng suy giảm rõ rệt do các biến động trên chính trường Đức và lập trường đe dọa ngừng viện trợ cho Ukraine của ông Trump.
Trường hợp Ukraine muốn có đảm bảo về an ninh từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hỗ trợ kinh tế từ các đối tác thì đòi hỏi phải sớm chấm dứt chiến sự, đồng nghĩa với phương án "đóng băng" các đòi hỏi về lãnh thổ. Phương án "đóng băng chiến sự" nói trên lại rất phù hợp với lập trường tranh cử của ông Trump khi còn là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Mặc dù Chính phủ Ukraine đã nhiều lần bác bỏ hoàn toàn khả năng "nhân nhượng lãnh thổ" trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga, nhưng tuyên bố "làm mọi cách" để chấm dứt chiến tranh cũng như việc không đề cập đến việc đảm bảo "đường biên giới năm 1991" của Ukraine trong "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky trình bày vào tháng 10 vừa qua là những nội dung rất đáng chú ý.
Phía Ukraine cũng có nỗ lực hóa giải "bộ ba bất khả thi" bằng cách tự tăng cường năng lực đảm bảo an ninh của quốc gia để có thể tiếp tục đòi hỏi hai yêu cầu còn lại về lãnh thổ và kinh tế.
Đích thân ông Zelensky đã ca ngợi sự kiện toàn các nền tảng tự chủ chiến lược về công nghiệp quốc phòng với hơn 800 công ty đang nghiên cứu sản xuất vũ khí đã cung cấp "vượt cột mốc" yêu cầu về tên lửa cho quân đội Ukraine trong năm 2024. Mặc dù vậy, những nỗ lực đơn phương của Ukraine vẫn chưa đủ để cứu vãn tình hình chiến sự đang khó khăn cho quân đội nước này ở cả hai chiến trường Kursk và mặt trận phía Đông.
Vì vậy các động thái điều chỉnh bổ sung vào ngày 15-11 các khoản tiền thưởng cho quân nhân Ukraine hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trên lãnh thổ của Nga, và việc công bố "Kế hoạch phục hồi nội bộ" gồm 10 điểm dự kiến sẽ trình bày vào cuối tháng 11 cho thấy chính quyền ông Zelensky đã chuẩn bị cho các kịch bản kết thúc chiến sự.
"Cú hích 24 giờ"
Trên thực tế, các thống kê hiện tại không chỉ cho thấy sự chấm dứt chiến sự ở Ukraine sẽ giúp cho cả Mỹ và châu Âu thoát khỏi một "vũng lầy tài chính" lên đến 200 tỉ USD, mà còn hội tụ các cột mốc quan trọng cho nghị trình đàm phán đình chiến giữa Nga và Ukraine chỉ trong năm 2025.
Trong đó, cột mốc sớm nhất được ghi nhận là việc ông Trump tuyên bố sẽ kết thúc chiến sự ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi ông nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1-2025. "Cú hích 24 giờ" này hiện vẫn đang được dư luận quan tâm đặc biệt với nhiều luồng quan điểm trái chiều, tuy nhiên tính "bất ngờ" trong các tính toán của ông Trump đang thu hút được nhiều sự kỳ vọng.
Đặc biệt khi các dự định này đang được triển khai cấp tập thông qua một chuỗi điện đàm, trong đó Tổng thống đắc cử của Mỹ đã tương tác thành công với một loạt các lãnh đạo có liên quan trực tiếp đến vấn đề Ukraine, điển hình là cuộc trò chuyện được mô tả là "rất tuyệt vời" với Tổng thống Zelensky và cuộc điện đàm "rất chi tiết và tốt đẹp" với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Ngay sau đó, Thủ tướng Đức đã thực hiện cuộc gọi gây tranh cãi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận "quan trọng nhất" về Ukraine ở Warsaw (Ba Lan) vào cuối tháng 11, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao chủ chốt của EU và Ukraine.
Cột mốc thứ hai là thời điểm 25-5-2025 được cho là đang được thảo luận để tiến hành cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Ukraine. Mặc dù Văn phòng Tổng thống Ukraine đã phủ nhận, nhưng cột mốc này lại phản ánh được nguyện vọng của dư luận bên trong Ukraine về một cuộc bầu cử cần thiết trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống Zelensky đang giảm sút. Theo kết quả khảo sát của Viện Xã hội học quốc tế Kyiv (KIIS) gần đây nhất, tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Zelensky đã giảm xuống còn 59% so với mức tín nhiệm đến 90% khi bắt đầu chiến tranh.
Nhìn chung, "cú hích 24 giờ" của ông Trump đang mở ra nhiều kỳ vọng mới cho một quá trình đầy triển vọng nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trên bàn đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine. Tuy không thể cùng lúc đáp ứng cả ba điều kiện mà phía Ukraine đòi hỏi, nhưng dường như mọi việc vẫn đang được triển khai đúng hướng nhằm từng bước đưa cả thế giới một lần nữa thoát khỏi một cuộc chiến tranh "không hồi kết".
Xem thêm tại links gốc : https://tuoitre.vn/khi-nao-chien-su-ukraine-ket-thuc-20241118001302989.htm