Người dân Mỹ xếp hàng vào điểm bỏ phiếu ở Atlanta (bang Georgia) ngày 5-11 - Ảnh: Reuters
Theo Đài CBS, hầu hết các điểm bỏ phiếu đầu tiên tại bờ đông nước Mỹ mở cửa lúc 5h sáng 5-11 (theo giờ miền đông, tức 17h ngày 5-11 theo giờ Việt Nam) ở bang Vermont. Sau đó các điểm bỏ phiếu trực tiếp tại hàng loạt tiểu bang như Connecticut, Kentucky, Maine, New Jersey, New York, Virginia... mở cửa, với Hawaii là bang bắt đầu bỏ phiếu muộn nhất vào lúc 12h cùng ngày (theo giờ Mỹ).
Những biểu cảm của ông Trump trong buổi vận động bầu cử xuyên đêm - Nguồn video: AFP - CBN NEWS - GOOD MORNING AMERICA
Các điểm bỏ phiếu đầu tiên đóng cửa ở bờ đông là các hạt phía đông của bang Indiana và Kentucky vào lúc 18h ngày 5-11 (theo giờ miền đông, tức 6h sáng 6-11 theo giờ Việt Nam), sau đó là các khu vực còn lại của những bang này, cũng như bang Georgia, South Carolina, Vermont và Virginia, đóng cửa lúc 19h cùng ngày... Vào 1h sáng 6-11 (theo giờ miền đông nước Mỹ), các điểm bỏ phiếu cuối cùng sẽ đóng tại quần đảo Aleut của bang Alaska.
Trong khi đó vào đêm 4-11 trước ngày bầu cử, ông Trump và bà Harris đã đi vận động không mệt mỏi tại các bang chiến trường như Pennsylvania nhằm thuyết phục cử tri tới phút chót. Cựu tổng thống Trump cam kết nếu ông đắc cử, giá thực phẩm sẽ rẻ hơn, tiền lương sẽ cao hơn và các thành phố của Mỹ sẽ an toàn và sạch sẽ hơn.
"Đây sẽ là thời vàng son của nước Mỹ" - ông Trump hứa hẹn tại cuộc vận động tranh cử ở TP Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania vào tối 4-11 (giờ địa phương). Trong ngày cuối cùng tranh cử, ông Trump đã có 4 cuộc vận động tại 3 bang chiến trường là Pennsylvania, North Carolina và Michigan.
Ông Trump đến Grand Rapids (Michigan) muộn, bắt đầu phát biểu tại sự kiện vận động vào lúc 12h khuya, nhún nhảy trước cả chục ngàn người hâm mộ và rời Michigan lúc đồng hồ điểm hơn 2h sáng 5-11 để trở về Florida, kết thúc một chiến dịch tranh cử dài, rồi vài giờ sau đó ông đi bầu trực tiếp tại Palm Beach.
Bầu cử Mỹ: Nhiều bang bỏ phiếu xong, ghi nhận của cộng tác viên Tuổi Trẻ tại New York - Nguồn: AFP - KHANG NGUYÊN - MỸ KHANH
Cũng tại Pittsburgh vào tối cùng ngày, bà Harris phát biểu trước đám đông: "Pittsburgh, chúng ta đã sẵn sàng bỏ phiếu chưa? Chúng ta đã sẵn sàng chiến thắng chưa?". Ứng viên Đảng Dân chủ thảo luận về tầm quan trọng của việc bỏ phiếu và cho rằng cuộc bầu cử này là "cuộc chiến vì tương lai và tự do". Bà cũng đã đi gõ cửa nhiều nhà dân ở Reading (Pennsylvania) để thuyết phục họ đi bầu. Reading cũng là nơi ông Trump tổ chức sự kiện vận động tranh cử trong ngày.
Bà Harris đến vận động ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania vào hôm 4-11 trước ngày bầu cử. Trong ảnh bên phải, ông Trump vẫy tay rời đi sau khi phát biểu tại cuộc vận động tranh cử cuối cùng ở TP Grand Rapids, bang Michigan (Mỹ) vào lúc 2h sáng 5-11 - Ảnh: AFP
Trước ngày bầu cử, hàng chục triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã bỏ phiếu sớm bằng cách đến trực tiếp các điểm bỏ phiếu hoặc qua thư. Theo dữ liệu của Election Lab thuộc Đại học Florida, tính đến tối 4-11, đã có hơn 82 triệu cử tri bỏ phiếu sớm. Số người đi bỏ phiếu sớm nhiều kỷ lục đã được ghi nhận ở Georgia, North Carolina và các bang chiến trường khác được đánh giá có thể quyết định người đắc cử.
An ninh đã được siết chặt tại các điểm bỏ phiếu khi nước Mỹ bước vào ngày bầu cử 5-11. Tại thủ đô Washington D.C, các doanh nghiệp đã bắt đầu đóng cửa và hàng rào an ninh được dựng lên bên ngoài Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử năm nay được coi là một trong những cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ, hai ứng viên bám sát nhau về tỉ lệ ủng hộ trong nhiều cuộc thăm dò. Trong khi đó cử tri có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề chính như kinh tế, nhập cư và quyền phá thai.
Chuẩn bị cho kịch bản hậu bầu cử
Trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5-11, các chính quyền trên thế giới đã sẵn sàng cho cả hai kịch bản: ông Trump hoặc bà Harris giành chiến thắng.
Với sự bám đuổi sát sao của hai ứng viên, sự phân cực của nước Mỹ và mâu thuẫn giữa hai đảng, theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, khả năng kiện cáo hay khiếu nại hậu bầu cử là có. Ông Vinh chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Sự phân cực càng gia tăng, càng dễ dẫn đến mất niềm tin. Từ đó dẫn đến động lực chủ động tìm kiếm các biện pháp pháp lý nhằm giành lại những gì họ cho là thuộc về mình nhưng đã bị đánh mất". Sau bầu cử Mỹ, các vụ khiếu kiện không phải hiếm. Chẳng hạn, vào năm 2000, phải mất tới một tháng mới xác định được người chiến thắng giữa ông George W. Bush và đương kim phó tổng thống khi đó, ông Al Gore.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu sẽ có động thái pháp lý nào đủ mạnh để thay đổi kết quả bầu cử hay không, và nếu có, sẽ khởi điểm từ bang nào. Cũng như ông Vinh, một số chuyên gia nhận định khả năng kiện tụng có thể xuất phát từ các bang chiến trường như Pennsylvania hoặc Michigan.
Ông Vinh lưu ý: "Các lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ đã nâng cao mức độ đảm bảo an ninh, nhưng đồng thời họ cũng phải có các phương án dự phòng để ngăn chặn bất kỳ tình huống bất ngờ nào, tránh lặp lại sự kiện bạo động tại Đồi Capitol năm 2021".
Nếu ông Trump đắc cử, Mỹ sẽ có nhiều thay đổi trong đối nội và đối ngoại so với hiện tại; ngược lại, bà Harris thắng sẽ duy trì sự tiếp nối chính sách của chính quyền đương nhiệm. GS Kotani Tetsuo từ Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản đồng ý với nhận định này nhưng cho rằng việc bà Harris tiếp nối chính sách của ông Biden không phải vì cùng đảng, mà do bà thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
"Nếu trở thành tổng thống, bà Harris dự kiến sẽ mang phong cách riêng của mình trong triển khai chính sách đối ngoại. Bà ấy có thể sẽ làm nhiều hơn tổng thống hiện tại về các vấn đề nhân quyền", ông Tetsuo nói.
Đối với Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du (ĐH Indiana, Mỹ) tin rằng dù ai chiến thắng cũng sẽ có hai điểm không thay đổi đáng chú ý. Đầu tiên là mối quan hệ Mỹ - Việt, hiện đang ở mức Đối tác chiến lược toàn diện. Washington vẫn sẽ tiếp tục các chính sách tập hợp lực lượng nhất quán trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục là một thách thức lớn.
Xem thêm tại links gốc : Dân Mỹ đi bầu đông kỷ lục - Tuổi Trẻ Online