Tổng thống Pháp Emmanuel Macrons có lẽ đã thở phào khi bổ nhiệm được một thủ tướng mới, phá vỡ thế bế tắc suốt nhiều tháng qua. Nhưng đó chỉ là tạm thời, bởi cái giá phải trả có thể rất đắt.
Biểu tình phản đối Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Barnier làm thủ tướng tại thành phố Marseille vào ngày 7-9 - Ảnh: AFP
Ở tuổi 73, chính trị gia có quan điểm bảo thủ Michel Barnier đã trở thành thủ tướng cao niên nhất trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa sau khi được bổ nhiệm vào hôm 5-9. Quyết định của Tổng thống Macron đi kèm với việc ông sẽ phải chia sẻ quyền lực với tân thủ tướng, đồng thời đặt ông vào thế phụ thuộc nhiều hơn vào Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen.
Ảnh hưởng của phe cánh hữu
Có thể nói Tổng thống Macron là nguyên nhân trực tiếp cho tình thế mà ông đang đối mặt. Vào tháng 7 vừa qua, ông tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử để ngăn chặn làn sóng trỗi dậy của cánh hữu ở châu Âu. Song mục tiêu đó đã thất bại.
Trái lại, cuộc bầu cử đã giúp liên minh của Mặt trận Quốc gia theo cánh hữu của bà Le Pen có thêm 36 ghế, xếp thứ ba sau liên minh các đảng mang tên "Cùng nhau" (ủng hộ ông Macron, 159 ghế) và Mặt trận Bình dân mới (của cánh tả, 180 ghế). Nếu tính cả số ghế của nhóm Cộng hòa cánh hữu có xu hướng thân thiện hơn với ông Macron, siêu liên minh này cũng chỉ có 213 ghế, kém xa số ghế cần thiết là 289 để tự thành lập chính phủ.
Kể từ đó, nước Pháp rơi vào tình cảnh không có thủ tướng và chính phủ mới khi các phe phái đều muốn đề cử người của mình, trong đó Mặt trận Bình dân mới đề cử ứng viên Lucie Castets. Thế nhưng ông Macron đã gạt đi, cho rằng chính phủ do bà Castets đứng đầu sẽ không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội - ám chỉ các đảng khác sẽ liên tục chống đối.
Các diễn biến sau đó, nói như tờ Politico, giống như một cuộc săn lùng. Trong đó nhân vật bảo thủ nặng ký Xavier Bertrand nổi lên là ứng cử viên hàng đầu, khi các nhà lập pháp trung hữu nói với ông Macron trong một cuộc họp ngày 3-9 rằng họ sẽ ủng hộ một thủ tướng thiên hữu.
Nhưng Mặt trận Quốc gia Pháp đe dọa sẽ "phủ quyết ngay lập tức" chính phủ Bertrand bất kể chính sách của ông là gì - một viễn cảnh mà ông Macron khó có thể chấp nhận. Mặt trận Bình dân mới cũng ngầm ủng hộ những nỗ lực của phe cực hữu nhằm phá hoại và làm tan vỡ một chính phủ do ông Bertrand đứng đầu ngay từ trong trứng nước.
Bế tắc, Tổng thống Macron đã gọi cho bà Le Pen vào cuối buổi chiều 3-9, theo một quan chức chính phủ không nêu tên. Hai người đã thảo luận về khả năng ứng cử của ông Bertrand và cựu thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve. Không rõ hai người đã nói gì nhưng bà Le Pen và ông Bertrand có hiềm khích, theo nguồn tin của tờ Politico. Và sau cuộc nói chuyện đó, ông Bertrand ra đi còn ông Barnier vào cuộc.
Chia sẻ quyền lực để chấm dứt bế tắc
Tức giận vì ông Macron gạt phăng đi ứng viên Castets, Mặt trận Bình dân mới đã tổ chức các cuộc biểu tình. Phản ứng của họ đã trở nên mạnh mẽ hơn khi ông Macron chính thức bổ nhiệm ông Barnier vào ngày 5-9. Họ tuyên bố khoảng 160.000 người biểu tình đã xuống đường ở Paris vào ngày 7-9 trong tổng số 300.000 người trên toàn nước Pháp. Nhưng chính quyền thủ đô ước tính rằng chỉ có 26.000 người biểu tình diễu hành ở Paris. Cả bốn đảng là thành viên chính của Mặt trận Bình dân mới đều tuyên bố họ có kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của ông Barnier.
Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi về sự hòa hợp giữa tân Thủ tướng Barnier và Tổng thống Macron. Cả hai cách nhau 26 tuổi, đều có cá tính mạnh. Thêm vào đó, ông Barnier không phải là thành viên của một đảng ủng hộ ông Macron. Nói như Hãng thông tấn AFP, việc bổ nhiệm ông Barnier đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho vị tổng thống muốn tập trung quyền lực và lãnh đạo theo kiểu áp từ trên xuống.
Nhưng theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực mới mà Điện Elysee gọi là kỷ nguyên "đòi hỏi sự chung sống", ông Macron sẽ giảm bớt vai trò cả trong và ngoài nước. Văn phòng tổng thống ở Điện Elysee và Matignon (văn phòng của thủ tướng Pháp) sẽ có đội cố vấn riêng - điều chưa từng xảy ra trong bảy năm qua. Các cố vấn của ông Macron sẽ không còn được tham dự các cuộc họp liên bộ ngành nữa.
Thủ tướng Barnier sẽ phụ trách các vấn đề ngân sách, an ninh, nhập cư và chăm sóc sức khỏe, đồng thời phải tính đến lợi ích của Mặt trận Quốc gia để tránh bị lật đổ.
Nhưng một số người hoài nghi rằng Tổng thống Macron sẽ chấp nhận lùi bước trong các vấn đề trong nước. Tương tự, Thủ tướng Barnier cũng sẽ khó chấp nhận bị sai khiến. "Ông ấy có sự kiêu hãnh của riêng mình" - một cựu bộ trưởng nói về ông Barnier.
Thủ tướng Barnier đã tuyên bố ông sẵn sàng bổ nhiệm các bộ trưởng thuộc mọi thành phần chính trị, bao gồm cả "những người cánh tả". "Ông ấy sẽ muốn tự mình chọn những bộ trưởng mà ông ấy cho là tốt nhất cho đất nước" - ông Guillaume Klossa, chủ tịch của Tổ chức nghiên cứu EuropaNova, nhận định.
Và như thế, nói như Hãng tin AFP của Pháp, cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này còn lâu mới kết thúc.
52% & 74%
Theo cuộc thăm dò của Ifop cho tờ Journal du Dimanche công bố ngày 8-9, 52% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với việc bổ nhiệm ông Barnier. Phần lớn người được hỏi coi ông Barnier là người có năng lực (62%), cởi mở đối thoại (61%) và dễ mến (60%).
Tuy nhiên, phe cánh tả đã tuyên bố sẽ lật đổ ông Barnier bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Cũng theo cuộc thăm dò trên, 74% người được hỏi tin rằng ông sẽ không giữ chức vụ này lâu
Xem thêm tại links gốc : Chính trường Pháp chia năm xẻ bảy - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)