Trang dạy học cho em gái những kiến thức mới chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: TRẦN HOÀI
Thấy một mình mẹ nuôi hai đứa con gái đang tuổi ăn học và ông bà đau ốm triền miên, Đoan Trang (ngụ xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) quyết chí vào đại học để có tương lai tươi sáng hơn.
Cha chết vì sập mỏ đá, mẹ tần tảo nuôi con
Giữa trưa tháng 9, tiết trời nóng bức, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (38 tuổi), mẹ Trang, về nhà sau khi hết ca làm việc ở khu công nghiệp. Trán lấm tấm mồ hôi, chị vẫn vội vàng giúp con gái sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị ra Nha Trang nhập học. Trang chọn học ngành khoa học hàng hải của Trường đại học Nha Trang.
Chị Mai kể 10 năm trước, trong lúc chồng chị đang làm việc cho một mỏ đá ở địa phương thì sập mỏ đá khiến anh ra đi vĩnh viễn. Từ đó chị vừa làm mẹ, vừa vào vai cha.
10 năm đó đối với chị Mai không ngày nào không nỗ lực. Công việc của công nhân làm tôm ở khu công nghiệp không ổn định vì dựa vào thời tiết. Nhà lại không có ruộng nương, đồng lương ít ỏi nên nhiều năm liền gia đình không thoát được khó khăn bủa vây.
Theo xác nhận của chính quyền địa phương, suốt các năm 2022, 2023, 2024 gia đình chị Mai vẫn thuộc diện cận nghèo. Cho dù thế, người mẹ này vẫn lạc quan và cố gắng từng ngày để mong hai con được học hành đầy đủ.
Nhà mẹ con Trang ở gần nhà ông bà ngoại. Ông Nguyễn Lan, ông ngoại Trang, bị tai biến cách đây hơn 20 năm, liệt nửa người và phải chịu những cơn đau khi thời tiết thay đổi. Cách đây 3 tháng, đến lượt bà ngoại Trang tai biến, liệt nửa người và phải nằm một chỗ. Chị Mai và hai chị em Trang thay nhau chăm sóc ông bà.
Ngày Trang chuẩn bị hành trang để lên đường nhập học, ông Lan lê những bước chân khó nhọc đến bên cháu gái, ân cần căn dặn những điều cần thiết khi đi học xa nhà.
"Tôi chỉ mong cháu cố gắng học hành để mai này có cuộc sống tốt hơn. Trang là niềm tin, là hy vọng của gia đình, nên tôi mong cháu sẽ luôn mạnh mẽ và vượt qua mọi khó khăn, thử thách" - ông Lan nghẹn ngào.
Bỏ ý định nghỉ học, bỏ luôn kết quả trúng tuyển đại học ở TP.HCM
Từ ngày bà bị tai biến 3 tháng trước, Trang thường hay đến chăm bà vì bà chỉ nằm một chỗ - Ảnh: TRẦN HOÀI
Để đặt chân được đến giảng đường hôm nay, hành trình của Phạm Ngọc Đoan Trang cũng có lúc gập ghềnh.
Cuối năm lớp 9, vì thấy kinh tế gia đình quá khó khăn, nhìn mẹ khổ cực, cô có ý định nghỉ học. "Lúc ấy, tôi nghĩ nghỉ học thì đỡ một phần gánh nặng cho mẹ và tạo cơ hội học tập nhiều hơn cho em gái. Thời điểm đó, tôi cũng chưa biết nếu nghỉ học sẽ làm việc gì, nhưng cũng tin là có thể kiếm được việc giúp mẹ đỡ vất vả hơn" - Trang nhớ lại.
Khi nghe Trang tâm sự như vậy, chị Mai không đồng ý. "Tui nói với Trang dù có khổ cực, vất vả, kể cả vay nợ thì tui vẫn ráng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Thời buổi này, không học hành thì coi như cuộc đời thất bại" - chị Mai kể.
Nghe lời mẹ, Trang bỏ ý định nghỉ học giữa chừng. Thay vào đó, cô luôn nỗ lực học tập và đỗ vào THPT với điểm số khá cao.
Không chỉ vậy, sự cố gắng không mệt mỏi cũng giúp Trang đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 3 năm của bậc THPT.
Kết quả của những nỗ lực ấy là Trang đã trúng tuyển vào đại học năm nay. Trang đủ điểm đỗ vào ngành logistics ở Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, đúng ngành yêu thích.
"Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại mình thấy học ở TP.HCM chi phí đắt đỏ, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, nên cuối cùng quyết định chọn học ngành khoa học hàng hải ở Trường đại học Nha Trang. Ngành này cũng liên quan đến quản lý cảng và logistics, học ở Nha Trang cũng bớt gánh nặng cho mẹ rất nhiều" - Trang bộc bạch.
Để phụ giúp phần nào khó khăn của mẹ, những lúc rảnh rỗi hoặc nghỉ hè, Trang thường phụ mẹ làm tôm ở khu công nghiệp. Những lúc mẹ quá bận bịu vì việc nhiều, Trang sẽ thay mẹ ở nhà chăm sóc ông bà và lo cho em gái.
"Tôi nghĩ chặng đường phía trước của mình và cả ba mẹ con còn không ít khó khăn, nhưng nếu tập trung học tập, có tri thức, ra trường có công ăn việc làm ổn định thì mọi khó khăn hôm nay sẽ được hóa giải" - Trang tin tưởng như thế.
Thời gian rảnh, Trang thường tập chơi đàn organ như một cách thư giãn giữa những lúc khó khăn - Ảnh: TRẦN HOÀI
Ngoài nỗ lực học hành, Trang còn đam mê chơi đàn organ. Để có được cây đàn nhỏ, Trang nhịn ăn sáng nhiều năm liền mới đủ tiền mua. "Những lúc thấy thiếu may mắn hay buồn phiền, tôi lại tìm đến cây đàn. Tiếng đàn ngân lên là lúc mình thấy tâm hồn nhẹ nhàng, có thêm động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống" - Trang chia sẻ.
Trong ánh mắt của cô tân sinh viên như toát lên những hy vọng mãnh liệt. Trang mong chặng đường sắp đến sẽ giúp cô trưởng thành hơn, vì việc cô học tập nên người cũng bao gồm cả ước mơ của người mẹ đầy hy sinh cho con cái.
Thầy thương, bạn quý
Thầy Trần Văn Sung - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, chủ nhiệm THPT của Trang - nhận xét Phạm Ngọc Đoan Trang là tấm gương vượt khó học tốt của lớp, của trường. Với thành tích học tập tốt, trong suốt thời trung học, Trang luôn đạt học bổng khuyến khích học tập từ Quỹ khuyến học của nhà trường.
"Tôi hy vọng Trang luôn mạnh mẽ, tiếp tục vượt qua thách thức, cố gắng đạt được các mục tiêu trên hành trình kiếm tìm tri thức" - thầy Sung bày tỏ.
Là bạn thân từ trung học rồi cùng Trang đi học đại học, Trần Phương Thảo Nhi (tân sinh viên Trường đại học Khánh Hòa) cho biết suốt thời gian qua, Trang luôn là một học sinh nỗ lực, cô bạn hiền lành này luôn là tấm gương cho bạn bè noi theo.
"Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trang vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ, sự nỗ lực của bạn ấy trong học tập và trong cuộc sống chính là điều khiến tôi cảm phục, tôi mong Trang sẽ luôn vững bước, học tập thật tốt trong chặng đường ở đại học sắp đến" - Nhi bày tỏ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Xem thêm tại links gốc : Bỏ kết quả đại học ở TP.HCM, chọn quê nhà vì không có tiền - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)