Câu chuyện về tình bạn được lồng ghép trong bài học "Quan tâm, cảm thông và chia sẻ", giờ học môn giáo dục công dân lớp 7 Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM - Ảnh: T.T.ANH
Chỉ riêng việc học trò bắt nạt nhau, tôi cho rằng là điều không dễ khi "người trong cuộc" lắm khi không hé môi lên tiếng. Chuyện này nơi nào cũng có. Không thể có thống kê được các kiểu học trò bắt nạt nhau.
Các vụ học sinh đánh nhau hoặc cố tình làm đau thân thể bạn có thể được báo cáo kèm bằng chứng, nhân chứng. Nhưng bạo lực tinh thần, các kiểu ức hiếp khác vẫn đang âm thầm diễn ra ở trường, ở lớp.
Một, hai học sinh có vấn đề trong lớp có thể gây ra nhiều vụ phiền phức hoặc có hành vi ức hiếp nhiều bạn ở trường.
Có hai bạn cùng tên trong lớp, một bạn có xu hướng muốn "làm trùm" một nhóm có thể gây hấn, chọc phá, dọa và hẹn đánh bạn có vẻ yếu thế hơn mình. Một bạn gái hay vô tình đi chung với một bạn trai trong trường cũng có thể bị bạn gái khác dọa đánh.
Một bạn trai lười học có thể nghĩ ra nhiều chiêu dụ dọa các bạn học khá hơn làm bài thay cho mình. Thậm chí có cả các kiểu dọa, ép bạn mua đồ ăn thức uống, đồ vật...
Những chuyện tương tự như thế này đã thành chuyện thường ngày ở các trường trung học cơ sở. Nhiều kiểu bắt nạt nhắm vào ngoại hình, trang phục và phổ biến hơn là bắt nạt nhắm vào những bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc tính cách thụ động, nhút nhát.
Những cuộc hẹn đánh nhau có thể dễ phát hiện và ngăn chặn hơn các kiểu đe dọa âm thầm, "nạn nhân" sợ hãi chọn cách chịu đựng trong im lặng. Nhiều học trò khác biết chuyện bắt nạt nhưng không lên tiếng vì thấy không liên quan đến mình hoặc không biết nói với ai.
Làm sao để mọi mầm mống bắt nạt có thể phát hiện sớm, làm sao để những học trò bị bắt nạt vượt qua sự sợ hãi?
Ngăn chặn bạo lực không hoàn toàn là trách nhiệm của nhà trường hay trong khuôn viên trường học. Nhưng các giải pháp hạn chế việc này bắt đầu từ nhà trường. Trọng trách của thầy cô giáo ở chỗ tạo ra môi trường học đường lành mạnh tối đa, ngăn chặn các kiểu bạo lực thể chất, tinh thần chứ không chỉ xử lý chuyện đã xảy ra rồi.
Phụ huynh cũng cần được biết nhiều hơn về con mình để giúp con thoát khỏi khó khăn hoặc uốn nắn con khi con mình chính là "kẻ bắt nạt".
Nhưng cần nhất và quan trọng nhất vẫn là nhận thức và kỹ năng của học trò. Nói không quá nhưng trẻ em cần được dạy cách "thoát" khỏi bắt nạt từ tuổi mẫu giáo. Rồi lên tiểu học, trung học, mỗi độ tuổi cần mỗi cách, mỗi kiến thức khác nhau nhưng tất cả cần hiểu bắt nạt người khác là sai.
Để tránh bị bắt nạt cần tự nỗ lực để học giỏi hơn, mạnh khỏe hơn, tự tin hơn. Hòa đồng cùng bạn bè cũng là cách thoát khỏi trạng thái sợ hãi (nếu có) và mạnh dạn hơn, biết mình nên làm gì nếu có bị dọa nạt.
Điều cần làm nhất là biết cách báo với ai khi biết chuyện bạo lực, bất kể chuyện của mình hay của bạn khác. Nhiều phụ huynh vẫn dặn con chuyện không phải của mình thì… né cho yên. Đa số học sinh khi biết "sắp có biến", có ai đó có thể bị đánh hoặc đã bị ức hiếp đã chọn im lặng, không báo cáo thầy cô và càng im lặng với phụ huynh.
Lên tiếng bảo vệ mình, bảo vệ bạn
Biết nhận ra chuyện sai trái, biết cách xử lý phù hợp, biết báo cáo với ai khi thấy có bạo lực, bắt nạt xung quanh mình là một kỹ năng và sự dũng cảm học sinh cần được rèn dạy kỹ hơn.
Các bài kỹ năng sống trong nhà trường cần có nhiều tình huống học và hành từ những việc có thật hằng ngày ở lớp. Trường học sẽ giảm bạo lực và bắt nạt sẽ dễ hơn khi có thêm nhiều học sinh mạnh dạn lên tiếng về việc này, bảo vệ mình và bảo vệ bạn.
Xem thêm tại links gốc : Bảo vệ trẻ trước bắt nạt học đường, dễ hay khó? - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)