Một phần lý do khiến granola trở nên phổ biến là do thời hạn sử dụng lâu dài và tiện lợi, dễ ăn - Ảnh: The Spruce Eats
"Một phần lý do khiến granola trở nên phổ biến là do thời hạn sử dụng lâu dài và tiện lợi, dễ ăn, rất hữu ích khi bạn bận rộn và cần nguồn năng lượng nhanh", Jen Messer, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho biết. "Granola cũng rất ngon và có độ giòn hấp dẫn".
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại granola đều giống nhau. Việc có vị ngon và chứa nhiều thành phần dinh dưỡng không có nghĩa là chúng luôn tốt cho bạn.
Granola có tốt cho sức khỏe không?
Mặc dù hầu hết các loại granola đều chứa ít nhất một vài thành phần dinh dưỡng, nhưng "không phải loại granola nào cũng giống nhau, vì vậy rất khó để khái quát hóa các lợi ích sức khỏe của nó", theo Abbie McLellan, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Stanford Health Care. Ví dụ, cô cho biết, một loại granola làm từ hạt diêm mạch, yến mạch, hạt lanh, hạt bí ngô và ít đường bổ sung sẽ mang lại lợi ích sức khỏe lớn hơn nhiều so với một loại chỉ làm từ yến mạch và nhiều mật ong.
"Một loại granola tốt sẽ cung cấp chất xơ, có lợi trong việc giảm cholesterol và cải thiện tình trạng táo bón - cô nói - Và tùy thuộc vào các thành phần khác trong granola, bạn có thể nhận được nhiều loại vitamin và khoáng chất".
Thật vậy, nửa cốc của một thương hiệu granola tự nhiên 100% phổ biến chứa yến mạch, lúa mì và mật ong, cung cấp 5 gram protein, 52 milligram canxi, 188 milligram phốt pho, 58 milligram magiê và lên đến 232 milligram kali, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Sản phẩm này cũng chứa sắt, kẽm, đồng, vitamin C, niacin, vitamin B6, retinol, vitamin A, vitamin E, và rất nhiều folate.
"Một số loại granola cũng chứa các thành phần hoạt động như prebiotic và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột", Messer cho biết.
Theo Katherine Tallmadge, tác giả về dinh dưỡng và chuyên viên tư vấn dinh dưỡng tại Personalized Nutrition, granola cũng có lợi nhờ có nhiều thành phần tạo cảm giác no, điều này có thể giúp kiểm soát cân nặng khi ăn một cách điều độ. "Và yến mạch chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và hóa chất thực vật đã được chứng minh mang lại một loạt các lợi ích sức khỏe tuyệt vời," cô nói thêm.
Các loại hạt trong granola cũng có nhiều lợi ích đã được chứng minh liên quan đến sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, ung thư và loãng xương.
Nhờ những lợi ích đó, "ăn granola có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt khi được làm từ các thành phần lành mạnh và được tiêu thụ điều độ", Messer nói.
Bạn có thể ăn granola mỗi ngày không?
Từ khóa ở đây là "điều độ", vì granola cũng có thể chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe. "Những thành phần không lành mạnh trong một số loại granola bao gồm dầu dừa và dầu đậu nành", Tallmadge cho biết. "Dầu dừa là chất làm tăng mạnh cholesterol LDL, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn; và dầu thực vật thường là dầu đậu nành, một chất làm tăng viêm đã được xác nhận", cô giải thích.
Granola cũng có thể gây vấn đề cho những người bị dị ứng thực phẩm vì nhiều thành phần của nó có thể gây kích ứng. "Nếu bạn bị dị ứng hạt, hãy đọc kỹ nhãn thành phần vì nhiều loại granola chứa các loại hạt đa dạng - Messer cảnh báo - Và nếu bạn bị dị ứng sữa, hãy kiểm tra nhãn thực phẩm xem có chứa thành phần từ sữa như sô cô la không".
Granola cũng thường chứa nhiều calo - hơn 200 calo chỉ trong nửa cốc - và Tallmadge cũng cảnh báo không nên sử dụng các biến thể có chứa quá nhiều muối hoặc đường. Ngay cả trong số các thương hiệu lành mạnh hơn, granola cũng chứa 24 miligam natri và 10 gam đường chỉ trong nửa cốc.
McClellan cho biết: "Nếu bạn chọn loại granola có thêm nhiều đường, bạn nên ăn với lượng vừa phải như một món ăn vặt chứ không phải là bữa sáng hằng ngày, vì lượng đường bổ sung có thể thay thế các chất dinh dưỡng quan trọng khác trong chế độ ăn và dẫn đến tăng cân quá mức. Granola có thể là một phần lành mạnh trong chế độ ăn hằng ngày của một người, nhưng việc đọc kỹ thành phần luôn là điều quan trọng".
Granola là gì?
Granola là một món ăn vặt giòn và có thể thay thế ngũ cốc ăn sáng, được làm từ việc kết hợp các loại ngũ cốc, hạt, dầu và chất tạo ngọt để tăng hương vị và liên kết các nguyên liệu với nhau. Sau đó, hỗn hợp này được nướng từ từ cho đến khi giòn; và đôi khi được thêm vào các thành phần bổ sung như trái cây khô, dừa và vụn sô cô la.
Một công thức granola cơ bản sẽ bao gồm yến mạch cán dẹt, hạt, một hoặc hai chất tạo ngọt như mật ong, xi rô cây phong và đường trắng hoặc nâu, cộng với một loại dầu có vị nhẹ như dầu dừa hoặc dầu hạt cải và các hương vị như vani, quế và muối. Ngoài nhiều loại tự làm, granola cũng có sẵn trên thị trường và được đóng gói sẵn, Messer cho biết.
Granola được phát minh vào năm 1863 ở New York bởi một bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tên là James Caleb Jackson. Món ăn này trở nên phổ biến cùng với sự xuất hiện của nhiều "thực phẩm tốt cho sức khỏe" thông qua phong trào hippie vào những năm 1960 và 1970 - phong trào nhấn mạnh cuộc sống lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên.Xem thêm tại links gốc : Ăn granola tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn phải điều độ - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)